NINH SỞ: PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG

24.09.2009 lúc 08:49 | Posted in VỀ INTERNET | Bình luận về bài viết này

Thường Tín là một huyện nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng hơn 20km, địa thế thuận lợi này từ xa xưa đã được các “cụ tổ nghề” ở Thường Tín phát triển nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Không khó để tìm thấy những bảng chỉ dẫn lối vào các làng nghề dọc theo quốc lộ. Các làng nghề đều có tuổi đời hàng trăm năm và được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Đến với gia đình được mệnh danh là “vua” làng nghề mây tre giang đan ở thôn Sâm Dương 3 – Ninh Sở – gia đình bà Đặng Thị Loan, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm rất đẹp, rất tinh xảo với quy mô lớn. Ít ai ngờ những thanh nứa, thanh tre, thậm chí là những khúc bèo tây không có mấy tác dụng lại có thể biến thành những chiếc túi thời trang, đèn ngủ, lọ đựng hoa… đẹp như thế. Đây đều là những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, chi tiết và mẫu mã luôn đổi mới. Một số cơ sở còn kết hợp sản xuất mây tre giang đan với sơn mài làm cho giá trị sản phẩm đẹp và có chất lượng cao. Hiện nay, mặt hàng mây tre giang đan của xã Ninh Sở đã có tới hơn 90% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Ông Đặng Huy Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết: “80% dân số trong xã đều làm nghề. 5/7 thôn trong xã hiện nay đã được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 25 cơ sở thu gom, mua hàng cho nhân dân. Các cơ sở sản xuất phát triển mạnh đã tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động trong xã và hàng trăm lao động ở các địa phương lân cận. Vì vậy tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã luôn ổn định và có bước tăng trưởng vượt kế hoạch đặt ra hàng năm”.

Nghề truyền thống có một đặc trưng là từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều làm nghề được. Trẻ thì làm những công đoạn đơn giản, lành nghề hơn thì làm những công đoạn tinh xảo và phức tạp hơn.

Em Nguyễn Thị Thơm – 10 tuổi – làng nghề mây tre Ninh Sở tâm sự: “Cháu có thể đan được những bát ăn cơm nho nhỏ. Ngày cháu cũng làm được khoảng 20.000 đồng, để dành mua quần áo mới và đồ dùng học tập”.

Một đặc trưng nữa của việc làm nghề truyền thống là tận dụng lao động chủ yếu vào lúc nông nhàn. Đến cơ sở Thành Công của ông Lưu Văn Sở vào những ngày này có thể bắt gặp không khí rộn ràng tại các xưởng khắc gỗ.
clip_image002
Ông cho biết: “Đây là một mặt hàng được rất nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng. Có thời điểm chúng tôi làm không hết việc, thu nhập hàng năm đạt đến hơn 1 tỷ đồng. Còn trung bình mỗi năm thu nhập của xưởng cũng vào khoảng 500-700 triệu đồng”.

Ra về trong mỗi chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh những người thợ chăm chỉ, khéo léo biến những vật tưởng chừng vô chi vô giác thành những sản phẩm sinh động, hấp dẫn du khách. Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thu trong nước mà cả ra cả thị trường nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam./.

Nhóm PV thực hiện:
– Hoàng Đức Trường
– Nguyễn Thị Bình
– Hoàng Thị Trường

Gửi bình luận »

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.
Entriesbình luận feeds.